VnReview
Hà Nội

Đánh giá chi tiết Oppo F1 Plus

Chỉ vài tháng sau khi ra mắt chiếc Oppo F1, hãng công nghệ Trung Quốc vừa tiếp tục trình làng mẫu F1 Plus với kích cỡ lớn hơn tại Việt Nam. Sản phẩm này cũng có camera tự sướng ấn tượng với độ phân giải 16MP, lớn hơn cả camera sau.

Oppo F1 Plus vừa được bán ra thị trường Việt Nam với giá 9,99 triệu đồng, hiện có 2 lựa chọn màu là vàng và vàng hồng. Đây là sản phẩm tiếp tục triết lý gần đây của Oppo: tập trung vào thiết kế và camera, nhất là khả năng chụp ảnh tự sướng. Oppo F1 Plus có thiết kế kim loại nguyên khối với viền màn hình rất gọn cùng camera trước độ phân giải tới 16MP.

Các cấu hình cơ bản khác của sản phẩm gồm màn hình AMOLED 5.5 inch độ phân giải Full HD, vi xử lý MediaTek Helio P10 với 8 nhân cortex A53 (gồm 4 nhân tốc độ 2GHz và 4 nhân tốc độ 1GHz), RAM 4GB, bộ nhớ trong 64GB (còn trống gần 54GB dành cho người dùng), pin 2850 mAh cùng với camera sau 13MP.

Thiết kế

Cầm trên tay, điểm đáng chú ý đầu tiên ở Oppo F1 Plus là thiết kế kim loại nguyên khối với hình thức trông khá giống iPhone 6 Plus, có thể nói nhìn vào là nghĩ ngay đến iPhone cả ở mặt trước lẫn mặt sau. Oppo F1 Plus trông giống với iPhone 6 Plus ở kiểu dáng tổng thể, các góc bo, đường viền nhựa mặt lưng và viền màn hình cong 2.5D.

Tuy nhiên, chiếc F1 Plus có viền màn hình mảnh và tối ưu hơn nhiều so với sản phẩm của Apple. Viền màn hình của điện thoại này chỉ dày 1,66mm, khiến cho tỷ lệ màn hình trên khung máy đạt tới 73,9% so với tỷ lệ 67,8% của iPhone 6 Plus. Điều này giúp F1 Plus mặc dù cũng có màn 5.5 inch giống với iPhone 6 Plus nhưng cầm gọn tay hơn nhiều. Thêm nữa, F1 Plus cũng có thân máy rất mỏng, chỉ 6,6mm so với 7,1mm của iPhone 6 Plus.

Việc thiết kế trông giống iPhone có thể sẽ có người thích, người không. Nếu bỏ qua yếu tố này, F1 Plus được chau chuốt cẩn thận cả về chất liệu và độ hoàn thiện. Các chi tiết như phím nguồn, âm lượng hay các cổng nguồn, âm thanh, loa… đều có được cắt gọn và các đường ghép nối rất khít. Tuy vậy, phần viền kim loại trên cạnh máy của điện thoại này được phay vát, không nối liền mạch với phần màn hình như trên iPhone 6 Plus nên vẫn có cảm giác hơi gợn tay khi cầm.

Điểm mới trong thiết kế của F1 Plus là có thêm cảm biến vân tay nằm trên nút Home phía mặt trước. Cảm biến này hỗ trợ nhận diện tối đa 5 ngón tay với tốc độ rất nhạy và chính xác. Giống như iPhone, bạn phải bấm vào nút Home để quét dấu vân tay, không chỉ chạm vào là được giống như chiếc HTC One A9. Ngoài việc mở khoá màn hình, Oppo cho phép người dùng sử dụng vân tay để bảo mật ứng dụng và các thư mục lưu trên máy.

Màn hình

Trên chiếc F1 Plus, OPPO chuyển sang sử dụng màn hình AMOLED độ phân giải Full-HD, kích thước 5.5 inch đạt mật độ điểm ảnh 401 PPI.

Trong kết quả đo kiểm của VnReview, màn hình này có độ sáng tối đa 347 nit, ở mức khá với một màn hình AMOLED. Là màn hình AMOLED nên dễ hiểu F1 Plus có khả năng hiện thị độ đen và độ tương phản rất cao. Nhiệt màu màn hình cũng ở mức hợp lý, hơi ấm nhẹ tương tự chiếc Galaxy A5 (2016).

Bảng đo kết qủa màn hình của Oppo F1 Plus và một số sản phẩm cạnh tranh

Trước đây, màn hình AMOLED bị tiếng là hiển thị màu sắc loè loẹt thái quá, nhưng điều này hiện nay có thể nói đã là quá khứ. Màn hình của F1 Plus cũng hơi rực một chút nhưng vẫn ở mức ổn, chênh không nhiều so với màu sắc tiêu chuẩn. So với chiếc Oppo R7 Plus và Galaxy A5 (2016) thì màu sắc trên màn hình của điện thoại này hiển thị chuẩn hơn. Tuy nhiên, các màn hình AMOLED của điện thoại Oppo không có nhiều chế độ màu sắc như trên điện thoại của Samsung. Trên các sản phẩm tầm trung và cao cấp dùng màn hình AMOLED, Samsung đều cung cấp cho người dùng 3-4 chế độ màu sắc khác nhau, trong đó có chế độ màu sắc nịnh mắt và chế độ màu sắc chuẩn như màn hình IPS LCD.

Màn hình của F1 Plus hiển thị một số màu cơ bản lệch so với màu tiêu chuẩn

Góc nhìn trên màn hình của điện thoại này cũng khá rộng, màu sắc và độ sáng chỉ tối hơn chút khi nhìn vào từ các góc khác nhau. Các màn hình AMOLED có ưu thế đặc biệt tốt ở khả năng nhìn ngoài trời nhờ độ tương phản cao và điều này không thay đổi trên F1 Plus. Duy chỉ có cảm biến ánh sáng trên máy là hoạt động chưa tốt, thường cho ra độ sáng tự động thấp hơn mức cần thiết.

Phần mềm ColorOS 3.0 mới: phẳng và màu sắc hơn

Oppo F1 Plus hiện được chạy phiên bản ColorOS V3.0 mới hơn so với bản ColorOS V2.1 trên chiếc Oppo F1 chúng tôi đánh giá gần đây dù cùng được tuỳ biến trên Android 5.1. Giao diện người dùng của ColorOS V3.0 trên F1 Plus đã phẳng hơn và màu sắc hơn so với chiếc Oppo F1.

Giao diện người dùng của Oppo F1 Plus (phải) phẳng và màu sắc hơn F1 (trái)

Một thay đổi nữa trên phần mềm của Oppo F1 Plus là bàn phím ảo mặc định được thay đổi sang bàn phím TouchPal, không phải là Swype như trên các máy Oppo gần đây. So với Swype, bàn phím TouchPal có ưu thế hơn nếu nhập liệu theo cách gõ truyền thống. Bàn phím này cũng có sẵn dãy phím số ngay trên các hàng chữ, điểm không có trên Swype nên nhập liệu các số sẽ tiện hơn. Bàn phím TouchPal cũng hỗ trợ nhập liệu bằng cách quét tay nhưng không mượt và chính xác bằng bàn phím Swype đồng thời không có giao diện nhập liệu tiếng Việt như Swype.

Giao diện phần thiết lập nhanh cũng được tinh chỉnh lại

Ngoài các điểm mới trên thì thứ còn lại của ColorOS V3.0 cơ bản đều kế thừa từ bản ColorOS V2.1 trước đó. Cụ thể, một số điểm đáng chú ý về phần mềm trên Oppo F1 Plus cũng như các máy Oppo gần đây là không có khay ứng dụng (đưa thẳng các ứng dụng lên màn hình chính giống iOS); có các tính năng điều khiển bằng cử chỉ khi màn hình tắt và bật; có bộ ứng dụng Trung tâm bảo mật với nhiều chức năng giúp quản lý dữ liệu cũng như ứng dụng cài trên máy và có chế độ sử dụng một tay (lướt nhẹ tay từ góc trái hoặc phải đến giữa màn hình để kích hoạt).

Hiệu năng

Vi xử lý của Oppo F1 Plus là MT6755 Helio P10 của Mediatek, chipset dành cho các máy tầm trung. Các yếu tố khác của F1 Plus như thiết kế kim loại nguyên khối hay màn hình đều tương xứng với mức giá 10 triệu đồng nhưng rõ ràng về hiệu năng thì tầm giá này có nhiều lựa chọn tốt hơn hẳn. Điểm yếu rõ rệt nhất của F1 Plus là vi xử lý đồ hoạ Mali T860MP2 tích hợp trong chipset Helio P10 chưa đủ mạnh để xử lý trơn tru độ phân giải Full-HD.

Trong sử dụng thực tế, Oppo F1 Plus không gặp vấn đề gì với các ứng dụng cơ bản hay các thao tác trên giao diện. Nhưng khi xử lý các game đồ hoạ nặng như Asphalt 8 thì máy chạy khá giật ở mức đồ hoạ cao (high) và tình trạng này chỉ cải thiện khi giảm xuống các mức đồ hoạ thấp hơn. Tuy vậy, với RAM tới 4GB, F1 Plus xử lý đa nhiệm khá tốt, có thể mở nhiều ứng dụng mà không phải tải lại.

Điểm đo hiệu năng tổng thể từ Antutu của Oppo F1 Plus so với một số sản phẩm khác, máy đạt điểm tương đương chiếc LG G4 chạy Snapdragon 808, RAM 3GB

Điểm đo hiệu năng xử lý đơn nhân và đa nhân của CPU từ GeekBench 3.0, CPU Helio P10 trên F1 Plus có điểm sát với Snapdragon 617 trên One A9 hay Exynos 7580 của Galaxy A5 (6) nhưng kém xa Snapdragon 808 của G4 và Exynos 7420 trên Galaxy S.

Điểm hiệu năng xử lý đồ hoạ của GPU từ ứng dụng GFXBench, GPU Mali T860MP2 trên F1 Plus kém cả Adreno 330 trên Snapdragon 801 của LG G3 hay Mali T760 trên Exynos 5433 của Note 4 và chỉ nhỉnh hơn chút so với Adreno 405 trên Snapdragon 617 của One A9

Pin sạc đầy trong 1 giờ

Oppo F1 Plus được trang công nghệ sạc nhanh VOOC độc quyền của Oppo và cũng được tặng kèm củ sạc nhanh trong hộp máy. Khác với công nghệ sạc nhanh khác như Quick Charge của Qualcomm đẩy cao điện áp tới 9-12V trên cường độ dòng điện 1.67A (15W) để tăng tốc độ sạc, công nghệ VOOC lại duy trì điện áp 5V và tăng cường độ dòng điện lên tới 4A (20W) so với mức 2A thông thường.

Củ sạc VOOC của Oppo F1 Plus có dòng sạc tới 4A với điện áp 5V

Trên thực tế, công nghệ VOOC trên F1 Plus sạc khá nhanh, chỉ mất 1 tiếng để sạc đầy viên pin 2850 mAh của máy. Trong đó, 30 phút sạc đầu tiên có thể sạc đầy 70% dung lượng của viên pin. Với thời gian sạc này, bạn có thể cắm sạc cho máy vào lúc mới ngủ dậy đầu giờ sáng, không cần sạc qua đêm như với các điện thoại khác.

Về thời lượng sử dụng, VnReview đã đo viên pin 2850 mAh của F1 Plus ở hoạt động xem phim trên máy (phim HD ở độ sáng màn hình và âm lượng khoảng 70%, vẫn bật Wi-Fi để nhận thông báo), lướt web trên mạng Wi-Fi và chơi game giả lập ở hiệu năng cao trên phần mềm GFXBench thì máy đạt kết quả 8 giờ 46 phút xem phim liên tục, 3 giờ 35 phút chơi game liên tục và 7 giờ 05 phút lướt web liên tục. Lưu ý tất cả các bài test chỉ tính đến mức pin 10% là dừng. Các kết quả này cho thấy thời lượng pin của Oppo F1 Plus ở mức trung bình, đủ dùng một ngày với mức sử dụng không cao.;

Camera

Một điểm nhấn ở sản phẩm này là sở hữu camera trước 16MP với khẩu f/2.0, cả khẩu và độ phân giải đều lớn hơn camera sau: 13MP và khẩu f/2.2. Camera sau có một đèn flash trợ sáng còn camera trước trợ sáng nhờ ánh sáng màn hình. Giao diện camera của F1 Plus cũng giống với các máy Oppo khác, khá đơn giản với nút chụp và quay cùng với các chế độ cơ bản cùng nằm trên màn hình giao diện chụp. Ở camera sau, máy cũng có chế độ chụp ảnh siêu phân giải 50MP bằng cách ghép cùng lúc một số tấm ảnh. Ngoài ra, máy cũng có các chế độ chụp ảnh GIF, phơi sáng kép tạo hiệu ứng thú vị với các đối tượng chuyển động, chế độ chụp chỉnh tay cho phép điều chỉnh ISO, bù trừ sáng, khoảng lấy nét và tốc độ màn chập tới 16 giây.

Trước tiên xin nói về camera trước, điểm nhấn của sản phẩm. Camera 16MP của máy có tốc độ chụp và lưu ảnh nhanh, góc chụp khá rộng, tiện cho việc selfie nhóm. Chất lượng ảnh từ camera trước khá ấn tượng, ảnh sắc nét, chi tiết, màu sắc tươi tắn, cân bằng trắng chính xác. Chế độ làm đẹp da cũng hoạt động hiệu quả khi giúp che bớt khuyết điểm trên gương mặt giúp có được bức ảnh "tự sướng" lung linh hơn.  

Góc chụp khá rộng của camera trước giúp việc selfie nhóm thuận tiện

Ảnh selfie từ F1 Plus sử dụng chế độ làm đẹp da (bên phải) và không làm đẹp da (bên trái)

Camera sau 13MP của F1 Plus cũng có tốc độ chụp, lấy nét và lưu ảnh nhanh nhưng chất lượng chưa ấn tượng. Trong điều kiện đủ sáng, ảnh có độ chi tiết khá, màu sắc tái tạo trung thực, cân bằng trắng tốt nhưng thường cho độ sáng tối hơn thực tế. Ảnh thiếu sáng cho chất lượng trung bình, độ sáng, chi tiết ổn nhưng nhiễu hạt khá nặng.

Ảnh chụp đủ sáng trong nhà

Ảnh chụp ngoài trời

Vẫn là tình huống trên nhưng zoom vào hết cỡ, ảnh vẫn giữ được độ chi tiết và sắc nét ở mức khá

Ảnh chụp khi trời nhá nhem tối vào khoảng 6h30 chiều

F1 Plus còn cung cấp chế độ chụp Siêu HD, cho ra những bức ảnh với độ phân giải rất cao ở 2 mức tùy chọn là 24MP hoặc 52MP bằng cách ghép nhiều ảnh thành một. Chế độ này phù hợp khi chụp ảnh phong cảnh, tĩnh vật. Độ sắc nét và chi tiết sẽ được cải thiện đôi chút so với ảnh 13MP thông thường. Tuy nhiên, khi chụp bằng chế độ này, người dùng phải thật chắc tay thì ảnh ra mới sắc nét.

Ảnh thường 13MP

Ảnh siêu HD 24MP

Ảnh siêu HD 52MP

Crop ở cùng tỷ lệ...

...và crop 100% của 3 ảnh trên, có thể thấy ảnh 24MP cho ra sắc nét nhất

Chế độ chụp panorama của F1 Plus cho chất lượng ảnh tốt, độ phân giải đạt khoảng 18MP với dung lượng từ 2-3MB, ảnh nối liền mạch, độ chi tiết tốt. Điểm hạn chế là máy chỉ cho chụp panorama theo chiều dọc.  

Ngoài ra, F1 Plus cũng có một số chế độ chụp sáng tạo để tạo nên những hiệu ứng thú vị cho ảnh chụp như lồng thêm khung ảnh, tạo các hiệu ứng ánh sáng lạ mắt...

Về khả năng quay video, F1 Plus cho quay video chất lượng cao nhất với độ phân giải 1080p tốc độ 30 khung hình/giây, hỗ trợ lấy nét liên tục khi quay, vừa quay vừa chụp ảnh, zoom số trong khi quay. Chất lượng video khi quay với điều kiện đủ sáng ở mức khá, hình ảnh tương đối sắc nét, màu sắc hài hòa, nhưng chế độ lấy nét hoạt động chưa ổn định khiến hình ảnh bị giật, nháy, chất lượng âm thanh thu được cũng không tốt, bị lẫn nhiều tạp âm.

Video Full HD 30fps quay từ Oppo F1 Plus

Ảnh chụp trong khi quay phim của Oppo F1 Plus, độ phân giải đạt mức 1080p, gần giống như cắt 1 frame hình từ video

Kết luận

Nhìn chung, trải nghiệm cho thấy Oppo F1 Plus có thiết kế khá giống iPhone 6 Plus nhưng có điểm gây ấn tượng là viền màn hình rất gọn, thân máy mỏng và độ hoàn thiện tốt. Màn hình AMOLED rực rỡ lại càng làm cho mặt trước của sản phẩm thêm ấn tượng. Máy có bộ nhớ trong 64GB với dung lượng trống 54GB thoải mái sử dụng mà không cần phải dùng đến khe cắm thẻ nhớ chia sẻ chung với khay cắm SIM thứ hai, xử lý đa nhiệm tốt với RAM 4GB và tốc độ sạc rất nhanh. Camera trước với độ phân giải cao, mang lại các bức ảnh selfie chất lượng tốt. Tuy nhiên, điểm yếu ở điện thoại này là hiệu năng xử lý không mạnh, nhất là khả năng đồ hoạ kém nhiều so với những sản phẩm cùng tầm giá, chất lượng ảnh chụp từ camera sau 13MP cũng chưa thuyết phục.

Thanh Phong

Chủ đề khác