VnReview
Hà Nội

Hai máy giặt lồng ngang “đấu súng”: truyền động trực tiếp hay dây curoa sẽ thắng thế?

Đây là lần đầu tiên VnReview so sánh chi tiết hai máy giặt lồng ngang đến từ hai thương hiệu có thị phần lớn nhất Việt Nam. Một hãng trang bị nhiều công nghệ hiện đại, còn một hãng đi theo phong cách "truyền thống" hơn.

Hai sản phẩm được chúng tôi đưa ra so sánh lần này là máy giặt lồng ngang LG AI DD FV1450S2B và máy giặt Electrolux EWF1023BESA. Hai máy có khối lượng giặt tương đồng, 10,5kg với chiếc LG và 10kg với chiếc Electrolux, phù hợp với các gia đình 5-6 người trở lên. Mức giá niêm yết chính hãng của hai máy cũng bằng nhau là 20 triệu đồng và giá mua thực tế tại các hệ thống bán lẻ có thể rẻ hơn vài triệu đồng tùy nơi bán.

So sánh thiết kế bên ngoài

Máy giặt Electrolux EWF1023 màu bạc (trái) và máy giặt LG AI DD FV1450S2B màu đen kim loại (phải)

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng so sánh về thiết kế giữa hai sản phẩm. Điểm khác biệt dễ thấy đầu tiên là kiểu dáng của chiếc LG nhìn vuông vắn hơn, chi tiết núm vặn điều chỉnh chương trình giặt bằng kim loại sáng màu và cửa kính chịu lực thiết kế phẳng, mang hơi hướng hiện đại, sang trọng. Trong khi đó, chiếc Electrolux thì mặt trước hơi lồi và cửa kính chịu lực 1 lớp hõm theo phong cách "truyền thống" khá quen thuộc.

Kích cỡ của chiếc LG nhỏ gọn hơn một chút mặc dù có khối lượng giặt nhiều hơn 0,5 kg. Thực tế, hai máy có chiều ngang và cao tương đồng nhưng chiều sâu của máy giặt Electrolux dài hơn 5cm. Đây là con số chênh lệch không quá lớn nhưng sẽ đáng cân nhắc với những người dùng dự định lắp đặt máy ở nơi có không gian chật hẹp.

Hai máy đều có vỏ dày và cứng cáp. Theo như thông số của nhà sản xuất, máy giặt LG có vỏ bằng thép và cửa bằng kính chịu lực 2 lớp. Còn máy giặt Electrolux dùng vỏ kim loại sơn tĩnh điện và cửa kính chịu lực 1 lớp. Ngoài việc có thiết kế phẳng nhìn hiện đại hơn, chúng tôi nhận thấy cửa kính chịu lực 2 lớp trên máy giặt LG không gây nóng nếu người dùng vô tình chạm vào bề mặt lúc máy hoạt động ở chế độ giặt nước nóng.

Khu vực bảng điều khiển máy giặt LG

Bảng điều khiển máy giặt Electrolux

Trên khu vực bảng điều khiển, hai máy đều có núm xoay vô cấp và màn hình hiển thị sắc nét. Tuy vậy, cách thiết kế bảng điều khiển dạng vát và kích cỡ các dòng chữ tiếng Việt mô tả các chương trình giặt trên máy giặt Electrolux lớn hơn, giúp người dùng dễ nhìn hơn.

Ở phía trong lồng giặt, LG dùng chất liệu thép không gỉ cho cả lồng giặt và thanh nâng bên trong, còn Electrolux dùng kết hợp thép không gỉ cho lồng giặt và nhựa cho các thanh nâng.

Như vậy, về thiết kế và chất liệu dùng cho máy giặt, LG đã ghi được một điểm đầu tiên trước đối thủ. Chưa kể máy giặt LG còn có khả năng điều khiển từ điện thoại thông qua ứng dụng Smart ThinQ, tính năng không có trên sản phẩm của Electrolux.

Mổ máy để so sánh từ bên trong

Ở phía bên trong, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai sản phẩm là động cơ giặt. Máy giặt LG sử dụng động cơ truyền động trực tiếp, còn Electrolux dùng động cơ truyền động qua dây curoa truyền thống.

Động cơ dây curoa trên máy giặt Electrolux

Ở máy giặt truyền động qua dây curoa, chuyển động quay của lồng giặt được thực hiện thông qua dây curoa nối giữa động cơ (motor) của máy giặt và lồng giặt.

Động cơ truyền động trực tiếp trên máy giặt LG

Còn với máy giặt truyền động trực tiếp, động cơ được gắn trực tiếp vào lồng giặt, khi động cơ quay thì lồng giặt cũng quay theo. Nhờ cấu tạo đồng nhất từ động cơ cho đến lồng giặt, các máy giặt truyền động trực tiếp thường có tốc độ vắt cao hơn, ít ồn và rung lắc cũng ít hơn.

Độ ồn ở chu trình vắt cao nhất trên hai máy giặt

Cụ thể, ở chế độ giặt Cotton, chiếc LG có tốc độ quay vắt tối đa là 1400 vòng/phút, còn tốc độ quay vắt tối đa của máy giặt Electrolux là 1200 vòng/phút. Độ ồn đo trong thực tế của chiếc LG khi vắt cũng nhỏ hơn, 58dB so với 67dB của máy giặt Electrolux.

Hình ảnh mổ máy cũng lý giải được lý do chiếc máy Electrolux có chiều sâu dày hơn 5cm so với máy giặt LG. Đó là khoảng diện tích cần có để đặt dây curoa ở phía sau lồng giặt nằm ngang trên thân máy.

Bảng mạch trên 2 máy giặt

Ở nhiều chi tiết khác, LG cũng cho thấy sự chỉn chu hơn. Hãng này đổ keo chống ẩm và nước cho cả bảng mạch chính máy giặt và bảng mạch điều khiển màn hình hiển thị, trong khi đó Electrolux chỉ đổ keo chống nước cho bảng mạch chính, còn bảng mạch điều khiển màn hình hiển thị để trần nên sẽ dễ bị tác động bởi môi trường ẩm thấp hơn. Ngoài ra, việc đổ keo còn giúp hạn chế nguy cơ chập cháy bảng mạch điện tử do thạch sùng hay các côn trùng nhỏ khác bò vào.

Lồng giặt máy Electrolux (trái) và lồng giặt LG (phải)

Là loại máy giặt lồng ngang, cả hai sản phẩm đều dùng bê tông để chống rung lắc cho lồng giặt. Có thể do động cơ dùng dây curoa nên máy giặt Electrolux được gia cố nhiều bê tông xung quanh lồng giặt và khối bê tông lớn hơn rất nhiều so với LG. Trong quá trình giặt thực tế, chúng tôi thấy độ rung lắc của hai máy tương đồng nhau, chứng tỏ Electrolux đã khắc chế hiệu quả mức độ rung lắc do động cơ của dây curoa gây ra.

Thụt đỡ lồng giặt trên máy LG

Thụt đỡ lồng giặt của máy giặt Electrolux

Ngoài ra, ba thụt đỡ lồng giặt trên máy LG sử dụng chất liệu kim loại, nhìn chắc chắn hơn chất liệu nhựa trên các thụt đỡ lồng giặt của máy giặt Electrolux. Tuy nhiên, chi tiết van xả trên máy giặt Electrolux thiết kế tiện hơn, chỉ cần mở ra là có thể xả nước thải, còn LG phải xoay nút bịt ra.

So hiệu quả giặt sạch

Với bất kỳ máy giặt nào, hiệu quả giặt sạch vẫn là yêu cầu cơ bản nhất. Mặc dù thực tế quần áo mặc hàng ngày của chúng ta ít khi quá bẩn nhưng chúng tôi vẫn cho hai máy thử ở điều kiện có thể nói là rất "khắc nghiệt".

Bôi bẩn chiếc áo sơmi trắng để thử hiệu quả giặt của 2 máy

Hai chiếc áo trắng được bôi bẩn bằng nước tương, tương ớt và nước cà phê (cà phê hòa tan) lên nhiều vị trí, gồm cả những vị trí khó sạch như cổ áo, cổ tay, túi, nách và vạt áo. Sau đó, hai chiếc áo bị bôi bẩn được đưa vào giặt chung với đồ giặt khác trên hai máy ở chế độ giặt nước nóng 60 độ C.

Kết quả chiếc áo trong máy giặt LG

Kết quả chiếc áo trong máy giặt Electrolux

Kết quả, chiếc áo trong máy giặt LG đã được làm sạch tất cả các vị trí bị bôi bẩn. Trong khi đó, chiếc áo trong máy giặt Electrolux còn bám bẩn nhìn thấy được ở một số vị trí như cổ, túi và vạt áo. Các vết bẩn này không sạch hẳn sau khi chúng tôi giặt tiếp mẻ nữa bằng nước nóng độ kèm theo chế độ khử vết ố (thời gian giặt dài hơn 30 phút so với chế độ giặt nước nóng 60 độ bình thường).

Theo phỏng đoán của chúng tôi, sự khác biệt về hiệu quả giặt sạch ở điều kiện khó này có thể là do động cơ truyền động trực tiếp của chiếc LG tạo ra chuyển động giặt mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, áp lực nước xả vào lồng giặt của máy LG trong quá trình giặt cũng mạnh hơn thông qua 4 vòi giũ phun xả nước vào đồ giặt từ nhiều hướng trong khi lồng giặt đang quay, còn máy giặt Electrolux chỉ có 1 đường nước xả vào lồng giặt từ phía cửa trước.

Một chi tiết nữa có thể cũng tác động đến hiệu quả giặt sạch giữa hai máy là sự khác biệt về công nghệ cảm biến đánh giá trọng lượng và độ mềm đồ giặt. Trong quá trình giặt thực tế, chúng tôi nhận thấy chiếc máy giặt LG sẽ có thao tác xoay lồng giặt chậm một hai vòng trước khi xả nước trước khi thực hiện chu kỳ giặt. Theo LG thì đây là động tác để máy phân tích trọng lượng giặt và độ mềm sợi vải trong lồng giặt, sau đó đối chiếu với kho cơ sở dữ liệu về thói quen sử dụng máy giặt có sẵn từ đó đưa ra chu trình giặt tối ưu bao gồm chuyển động giặt, nhiệt độ và thời gian giặt phù hợp.

Trong khi đó, máy giặt Electrolux không có thao tác xoay lồng giặt mà xả nước để bắt đầu chu trình giặt ngay. Mặc dù thông số về sản phẩm của nhà sản xuất cho thấy máy giặt Electrolux này cũng được tích hợp cảm biến Sensor Wash nhận biết mức độ bẩn của đồ giặt trong và sau khi giặt để điều chỉnh số lần xả nhằm giúp quần áo sạch hơn.

Hiệu quả vắt khô

Tốc độ quay vắt cao hơn nên không ngạc nhiên khi đồ giặt từ máy giặt LG được vắt khô hơn. Hai máy giặt ở chế độ Cotton bằng nước lạnh với cùng loại và lượng đồ giặt khi khô như nhau là 2,88 kg.

Trọng lượng quần áo khô trước khi giặt

Sau khi vừa giặt xong, đồ giặt từ máy giặt LG có trọng lượng là 3,56kg, còn đồ giặt từ máy giặt Electrolux là 3,69kg. Tính ra, mức chênh lệch về hiệu quả vắt khô giữa máy là 130g nghiêng về phía máy giặt LG.

Trọng lượng quần áo sau khi giặt của máy LG

Trọng lượng quần áo sau khi giặt của máy Electrolux

So sánh tiêu thụ nước

Máy giặt LG tiếp tục ghi điểm ở khía cạnh này. Trong mẻ giặt thông thường bằng nước lạnh ở chế độ giặt mặc định (chế độ Cotton) với trọng lượng quần áo khô 3,5kg, máy giặt LG sử dụng tổng cộng khoảng 87 lít nước trong toàn bộ chu trình giặt, còn máy giặt Electrolux hết khoảng 102 lít nước. Tính ra, một mẻ giặt thông thường của máy giặt LG sử dụng ít hơn khoảng 15 lít nước.

So sánh tiêu thụ điện

Về tiêu thụ điện, máy giặt LG cũng tiêu hao ít điện hơn máy giặt Electrolux ở cả hai chế độ giặt thông thường bằng nước lạnh và chế độ giặt nước nóng 60 độ C.

Kết quả tiêu thụ điện chế độ Cotton trên máy giặt LG

Kết quả tiêu thụ điện chế độ Cotton trên máy giặt Electrolux

Cụ thể, ở chế độ giặt thông thường (chế độ Cotton) bằng nước lạnh, máy giặt Electrolux tiêu hao 0,127 KW (còn được gọi nôm na là số điện), còn máy giặt LG là 0,112 số điện.

Kết quả tiêu thụ điện chế độ giặt bằng nước nóng trên máy giặt LG

Kết quả tiêu thụ điện chế độ giặt bằng nước nóng trên máy giặt Electrolux

Khi chuyển sang chế độ giặt bằng nước nóng 60 độ C, máy Electrolux sử dụng hết 0,856 số điện mỗi mẻ giặt so với 0,582 số điện của máy giặt LG.

Tổng kết

Sự khác biệt về động cơ truyền động trực tiếp so với động cơ truyền động qua dây curoa giúp máy giặt LG có ưu thế hơn trong trải nghiệm thực tế. Máy giặt LG đã chứng tỏ khả năng loại bỏ chất bẩn trên đồ giặt hiệu quả hơn, chạy êm hơn, tiêu thụ nước và điện tiết kiệm hơn. Ngoài ra, thiết kế của máy giặt LG có kiểu dáng hiện đại hơn, chất liệu vỏ, cửa và độ hoàn thiện các chi tiết bên trong cũng chỉn chu hơn. Trong khi đó, máy giặt Electrolux có thiết kế kiểu dáng truyền thống, vỏ chắc chắn và khu vực bảng điều khiển được thiết kế dễ nhìn hơn.

Nhóm review

Chủ đề khác